Hiện nay có rất nhiều quán cà phê và trà sữa đang sử dụng phương thức nhượng quyền thương hiệu để kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là nhượng quyền thương hiệu là gì và có mấy loại nhượng quyền thương hiệu? Bài viết này nhất định sẽ giải đáp những thắc mắc cho bạn.
Theo bạn nhượng quyền thương hiệu là gì?
Nhượng quyền thương hiệu là một hình thức mà một cá nhân hoặc tổ chức nào đó được cấp quyền kinh doanh các loại hàng hóa/dịch vụ theo phương pháp kinh doanh của bên nhượng quyền thông qua các thỏa thuận như: Tên sản phẩm/dịch vụ, công nghệ sản xuất chế biến, văn hóa kinh doanh, cách quản lý cửa hàng,… Đây là một hình thức kinh doanh khá phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới.
Nhượng quyền thương hiệu được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định cùng với số phần trăm lợi nhuận/doanh thu hoặc là một khoản phí cố định theo thương thảo hợp đồng.
Cụ thể như sau, việc mà bên thương hiệu nhượng quyền cần làm là phải cung cấp đầy đủ, chính xác về phương thức kinh doanh và hỗ trợ tối đa cho bên nhận nhượng quyền. Bên cạnh đó, bên nhận quyền thương hiệu phải đảm bảo việc kinh doanh đúng cách thức, quy trình của bên thương hiệu nhượng quyền, đặc biệt phải đảm bảo giữ các đặc trưng và uy tín cho thương hiệu gốc. Như vậy, bạn có thể hiểu rõ nhượng quyền thương hiệu là gì rồi.
Tổng hợp các loại nhượng quyền thương hiệu
Dưới đây là 4 loại nhượng quyền thương hiệu. Ngoài biết về định nghĩa nhượng quyền thương hiệu là gì thì các loại nhượng quyền thương hiệu cũng là thông tin cơ bản mà bạn cần biết.
Mô hình nhượng quyền kinh doanh toàn diện – Full business format franchise
Đây là một mô hình nhượng quyền sở hữu cấu trúc hoàn chỉnh và chặt chẽ nhất khi thể hiện rõ mức độ hợp tác và cam kết giữa cả hai bên nhượng và nhận.
Bên nhận không chỉ được sử dụng nhãn hiệu nhượng quyền mà còn có quyền sử hữu toàn bộ các hệ thống để vận hành kinh doanh, các bí quyết trong công nghệ sản xuất/kinh doanh và thậm chí là quyền quản lý sản phẩm/dịch vụ (sản xuất, tiếp thị,…). Bên nhượng quyền sẽ cung cấp một kế hoạch cụ thể cùng với đầy đủ thủ tục chi tiết về mọi khía cạnh trong doanh nghiệp, hỗ trợ, cung cấp hệ thống đào tạo trong giai đoạn đầu cũng như về sau này.
Nhượng quyền theo mô hình kinh doanh toàn diện là một loại hình phổ biến nhất và thường được nhắc đến nhất. Hình thức này phổ biến nhất với các ngành hàng thức ăn nhanh, bán lẻ, dịch vụ kinh doanh, nhà hàng, các trung tâm/phòng tập thể hình,…
Nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện – Non-business format franchise
Đối với mô hình này, bên nhượng quyền sẽ chỉ chuyển nhượng một số yếu tố trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thông thường là cung cấp các quyền như sử dụng hình ảnh thương hiệu, hoặc chia sẻ công thức, mô hình tiếp thị của các sản phẩm/dịch vụ.
- Với hình thức nhượng quyền thương hiệu này, các thương hiệu thường có giá trị tương đối cao và có số lượng fans nhất định, cùng với mong muốn sử dụng tên tuổi cho việc sản xuất các mặt hàng/sản phẩm không chung ngạch.
- Nhượng quyền phân phối các loại sản phẩm/dịch vụ là hình thức mà bên nhận quyền chỉ phụ trách ở phân phối sản phẩm/dịch vụ ra thị trường.
- Nhượng quyền các công thức sản xuất và marketing cho sản phẩm chỉ xuất hiện khi bên nhượng quyền cung cấp quyền kinh doanh và hỗ trợ các hoạt động vận hành, tổ chức, tiếp thị cho bên mua nhượng quyền.
Nhìn chung, cùng với mô hình nhượng quyền kinh doanh không toàn diện này, các doanh nghiệp thường áp dụng khi bên nhượng quyền mong muốn có thể mở rộng hệ thống phân phối nhằm gia tăng độ phủ thị trường, tăng doanh thu nhằm để cạnh tranh với đối thủ. Bởi vì bản chất không chuyển nhượng những yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp, nên hầu hết những doanh nghiệp này không quản lý quá chặt chẽ các hoạt động của bên nhận quyền mà chỉ quan tâm đến thu nhập của việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.
Nhượng quyền có sự tham gia của quản lý – Management franchise
Mô hình nhượng quyền quản lý này có mối liên quan đến chất lượng và kinh nghiệm của các bậc quản lý/lãnh đạo hơn là kinh nghiệm trong ngành. Về cơ bản, nhượng quyền quản lý chỉ xảy ra khi bên nhượng quyền cung cấp người quản lý và quyết định điều hành doanh nghiệp cho bên nhận quyền. Bên cạnh việc chuyển nhượng thương hiệu cùng với mô hình/ công thức kinh doanh, người quản lý không cần phải tham gia vào các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp mà chỉ có nhiệm vụ giám sát toàn diện. Vai trò của họ chính là sử dụng kinh nghiệm và chuyên môn của mình để lãnh đạo công ty cũng như quản lý các bộ phận một cách hiệu quả, tập trung vào phát triển kinh doanh và từ đó đưa ra những quyết định về tài chính. Hình thức nhượng quyền này đặc biệt phù hợp với các thương hiệu dịch vụ, có những yêu cầu cao về chất lượng liên quan đến nguồn nhân lực, cụ thể chính là ngành nhà hàng khách sạn.
Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn – Equity franchise
Nhượng quyền tham gia vốn đầu tư cùng với tỷ lệ nhỏ dưới dạng liên doanh để trực tiếp tham gia các hoạt động kiểm soát hệ thống. Bên cạnh đó, bên nhượng quyền có thể tham gia vào Hội đồng quản trị của công ty thậm chí có số vốn tham gia đóng góp chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ.
>>Xem thêm:
- Thiết kế hồ sơ năng lực công ty
- Đơn vị thiết kế bộ nhận diện thương hiệu
Kết luận
Bài viết trên đây giúp bạn hiểu rõ hơn nhượng quyền thương hiệu là gì, cùng với đó là cung cấp cho bạn những thông tin về các loại hình nhượng quyền. Hy vọng bài viết này đem lại kiến thức hữu ích cho bạn.