Brand Equity hay còn gọi là tài sản thương hiệu, là một thuật ngữ quen thuộc trong marketing. Dù tồn tại vô hình, song đây là một trong những tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề tài chính của doanh nghiệp. Đến với bài viết hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về Brand Equity – tài sản thương hiệu là gì nhé!
Định nghĩa về Brand Equity – Tài sản thương hiệu là gì?
Mỗi thương hiệu là đại diện, là một kết tinh tinh hoa của doanh nghiệp. Xây dựng một thương hiệu mạnh, tức là xây dựng vị trí vững chắc trong lòng khách hàng. Do vậy, thương hiệu là tài sản của công ty, ảnh hưởng đến thành công tài chính của doanh nghiệp.
Trong marketing, Brand Equity là một thuật ngữ dùng để chỉ giá trị của một thương hiệu. Tài sản thương hiệu là một trong những giá trị của sản phẩm, được ghi nhận qua cảm nhận, đánh giá, phản hồi của người tiêu dùng liên quan tới thương hiệu đó.
Một cách dễ hiểu, tất cả suy nghĩ và trải nghiệm của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp chính là tài sản thương hiệu. Nếu khách hàng có những đánh giá tốt về sản phẩm/dịch vụ, giá trị thương hiệu sẽ là dương. Còn ngược lại, giá trị thương hiệu sẽ đạt âm nếu sản phẩm mang đến trải nghiệm tệ cho khách hàng.
Trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp, tài sản thương hiệu được hình thành và phát triển trong mọi phương diện. Từ cách mà doanh nghiệp đối xử với công nhân, nhân viên; cách mà doanh nghiệp cung cấp sản phẩm ra thị trường; cho đến những đánh giá, phản hồi về sản phẩm của khách hàng…
Brand Equity, tài sản thương hiệu được hình thành từ đâu?
Brand Equity được hình thành từ 4 yếu tố liên quan tới thương hiệu. Đó là: mức độ nhận diện, đặc trưng, lợi ích và mức độ trung thành từ thương hiệu.
- Mức độ nhận diện thương hiệu: yếu tố này được xác định khi khách hàng bắt đầu biết đến thương hiệu. Nó được hiểu là sẽ có tổng bao nhiêu khách hàng biết đến thương hiệu và có thể liên kết với sản phẩm cụ thể. Quảng cáo là phương thức phổ biến để gia tăng mức độ bộ nhận diện thương hiệu.
- Đặc trưng của thương hiệu: yếu tố này bao gồm những điều khiến khách hàng nhận diện thương hiệu dễ dàng. Ví dụ như màu sắc, logo hay font chữ… Nó cũng có thể hiểu là khách hàng sẽ nghĩ ngay đến điều gì khi nhắc tới một thương hiệu nào đó.
- Lợi ích thương hiệu mang đến cho khách hàng: nó được hiểu rằng khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu này, khách hàng sẽ nhận được những lợi ích gì. Sẽ là một chất lượng sản phẩm tốt với giá cả phù hợp, hay còn những lợi ích nào khác nữa?
- Mức độ trung thành với thương hiệu: nếu thường xuyên có những trải nghiệm tốt, người dùng sẽ dần trở thành khách hàng trung thành với thương hiệu. Yếu tố cần đánh giá ở đây là trong tổng số khách hàng của thương hiệu, lượng khách hàng trung thành chiếm bao nhiêu phần trăm? Khách hàng trung thành sẽ giúp đỡ thương hiệu truyền thông miệng một cách hiệu quả đấy!
Những lợi ích mà tài sản thương hiệu bền vững mang lại cho doanh nghiệp
Sở hữu một Brand Equity bền vững sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nó giúp nâng cao giá trị thương hiệu trong mắt khách hàng; giúp hạn chế rủi ro cạnh tranh kinh tế; giúp biên độ lợi nhuận được nâng cao hơn. Đồng thời, nhờ đó cơ hội hợp tác, đầu tư cũng nhiều hơn; truyền thông cũng có hiệu quả hơn. Và đặc biệt, tài sản thương hiệu bền vững sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị cổ phiếu.
Brand Equity có vai trò quan trọng với doanh nghiệp
Trải nghiệm của khách hàng chính là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Hình thành từ đánh giá của người tiêu dùng, tài sản thương hiệu chính là một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Sở hữu một tài sản thương hiệu vững mạnh chính là thế mạnh, sự khác biệt của doanh nghiệp so với đối thủ. Nó giúp thương hiệu có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn. Nó chứng tỏ các sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu có chất lượng cao và được nhiều người tin tưởng. Qua đó, sẽ thúc đẩy khách hàng có thể chấp nhận mua sản phẩm của doanh nghiệp dù nó có giá cao hơn so với đối thủ.
Không chỉ giúp tăng nguồn doanh thu hiệu quả. Một tài sản thương hiệu bền vững còn có thể làm giảm tối đa chi phí marketing. Bởi nhóm khách hàng đã có sự nhận diện và tin tưởng với thương hiệu, đây chính là một phương thức marketing miễn phí mà vô cùng hiệu quả.
Hơn nữa, nếu một doanh nghiệp có Brand Equity cao, quá trình mở rộng quy mô và phát triển sẽ vô cùng dễ dàng. Khi doanh nghiệp đầu tư cho ra mắt một dòng sản phẩm/dịch vụ mới, bởi đã có sẵn sự nhận diện và lòng tin, nhóm khách hàng trung thành của doanh nghiệp sẽ dễ dàng đưa ra quyết định lựa chọn sản phẩm mới. Từ đó, phương thức marketing nhờ khách hàng cũng được diễn ra hiệu quả.
Trên đây là những chia sẻ về Brand Equity – tài sản thương hiệu là gì. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về khái niệm và vai trò quan trọng của tài sản thương hiệu đối với doanh nghiệp.